Ông bà ta có câu “mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh”, nên mốc khởi nghiệp từ nông nghiệp vì thế cũng khác nhau. Có người khi ra riêng được cha mẹ cho một số vốn lớn hay diện tích đất kha khá, nhưng cũng có những người khi ra riêng chỉ có đôi bàn tay trắng, phải vất vả ngược xuôi, làm lụng, chắt chiu, kham khổ mới mua được mảnh đất rồi gởi gắm vào đấy bao kỳ vọng tốt đẹp về tương lai và mong cho con cái mình ngày sau không phải vất vả như mình.
Thiên nhiên đã ưu ái ban cho vùng đất miền Đông Nam bộ và Tây nguyên mầu mỡ tốt tươi, khí hậu trong lành, mưa gió thuận hòa, với tính ham học hỏi và cần cù lao động bà con đã làm nên những vùng cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như hồ tiêu, cà phê, cao su, điều… hay những vườn cây ăn trái như sầu riêng, bưởi, cam quýt …
Nhưng không phải loại cây nào, năm nào cũng “trúng mùa được giá” mà cũng có lúc “thất mùa còn thất cả giá”. Qui luật tự nhiên lẫn thị trường khắc nghiệt, không chừa một ai.
Với những hộ nghèo, ít đất, con cái đang tuổi ăn, tuổi học thì phải làm sao với điệp khúc “lên lên xuống xuống, trồng trồng chặt chặt”? Cái khó thường ló cái khôn, họ phải chọn cách trồng xen canh để tăng hiệu quả kinh tế trên một diện tích, phải kết hợp ao chuồng để giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập và vững vàng vượt qua khó khăn khi loại cây trồng nào đó gặp phải rủi ro.
Kinh nghiệm trồng xen canh của bà con nông dân nước mình có rất nhiều, đã trở thành tập quán có tính truyền thống của nền kinh tế tiểu nông tự cung tự cấp là chính. Tôi cũng là nông dân nên cũng đang trồng xen canh trên diện tích đất vườn nhà, có hiệu quả kinh tế khá cao và ổn định, đã có nhiều bạn trên diễn đàn ghé thăm làm tôi cũng phấn khởi.
Qua bài viết này tôi xin gởi đến những bà con cần lao, đổi từng giọt mồ hôi để lấy ấm no cho gia đình, những hộ còn khó khăn và các bạn trẻ chọn con đường khởi nghiệp từ nông nghiệp, một số kinh nghiệm trồng xen canh mà tôi đã làm qua, đã học được từ những người đi trước.
Bà con làm thành công, mang lại thịnh vượng cho gia đình mình là tôi vô cùng hạnh phúc.
1.Xen canh giữa cây hồ tiêu với cà phê
Tiến hành như sau: Cây cách cây, hàng cách hàng 3,3m x 3,3m. Trồng 1 hàng tiêu (trụ sống) xen 1 hàng cà phê, trồng theo hướng bắc nam để đón ánh nắng đều khắp cả vườn. Với khoảng cách trên, 1 ha sẽ trồng được 500 cây cà phê và 500 trụ tiêu. Với 500 trụ tiêu được trồng xen như trên sẽ cho năng suất cao hơn và ít dịch bệnh hơn so với trồng tiêu đám. Cây cà phê trồng xen như trên sẽ không ảnh hưởng gì nhiều, vì cà phê chỉ cần ánh sáng tán xạ. Tuy lượng phân, nước tưới và cách chăm sóc khác nhau, nhưng theo tôi thì cũng không khó lắm. Khi làm bài toán kinh tế thì rõ ràng trồng xen như trên giá trị sẽ không bằng trồng tiêu đám, nhưng đây lại là giải pháp khá an toàn, lượng công lao động được phân bổ đều, rất phù hợp với những hộ gia đình có ít lao động, chỉ thuê thêm một ít nhân công vào mùa thu hoạch. Nếu cây trụ sống là cây keo lai thì tranh thủ nuôi thêm một bầy dê, một năm kiếm thêm vài chục triệu đồng tiền bán dê và mười mấy khối phân nữa thì còn gì tuyệt vời hơn.
2. Xen canh hồ tiêu với cây điều
Bình Phước là vương quốc của hạt điều, nhưng do mấy năm liền điều mất mùa mất giá nên bà con đang tính chuyển đổi cây trồng. Nhưng trồng cây gì, lấy vốn đâu để tái đầu tư? Việc trồng tiêu trên trụ điều tôi đã trồng từ lâu, tuy không tốt bằng trồng trên nhiều loại cây trụ sống khác, nhưng lại rất hợp với những hộ còn nghèo, vừa thu điều rồi trồng tiêu vào luôn, tiết kiệm tận dụng để vươn lên. Trên diện tích 1ha trồng điều ta có sẵn 250 – 270 gốc, với mật độ này cây điều lên cũng khá thẳng, nếu thả thêm tiêu và chăm sóc tốt một trụ cũng được 7-8 kg tiêu khô. Sau đó bà con có thể trồng xen giữa hàng điều một hàng tiêu bằng trụ gỗ hoạc bê tông khoảng cách 2,2 m thì thu nhập của bà con được tăng lên đáng kể. (xem thêm: trồng tiêu trên thân cây điều)
-Với những hộ đã có đất nhưng vốn đầu tư hạn hẹp thì phải làm sao để xây dựng thành vườn tiêu? Việc trồng xen canh lấy ngắn nuôi dài là một cứu cánh tất yếu, nhưng trồng những cây nông nghiệp ngắn ngày như bắp đậu thì thu nhập chẳng bao nhiêu. Tôi đã có giải pháp này xin nêu ra đây để bà con cùng tham khảo.
Năm đầu tiên bà con trồng chuối già lùn với khoảng cách 3,3m x 3,3 m và trồng keo vô chính giữa 4 cây chuối (hoặc trồng keo theo đám rồi năm sau bứng ra trồng cũng tốt). Như thế trên 1 ha chúng ta trồng được 1000 gốc chuổi và 1000 gốc keo. Chi phí ban đầu khoảng 15 – 20 triệu đồng, nhưng chuối rất mau có thu, trong năm đầu tiên bà con đã thu được khoảng 900 buồng, mỗi buồng có giá khoảng 70.000, như vậy năm đầu tiên ta đã có thu khoảng 50-60 triệu. Việc chăm sóc vườn chuối thì không khó khăn gì, lâu lâu cho tí phân đạm là tốt ào ào, chỉ lưu ý tỉa chuối cho khéo sao cho 1 cây có buồng + 1 cây hậu bị + 1 cây con.
Năm thứ hai bà con tiến hành trồng tiêu cho leo lên trụ giả sát gốc keo. Vẫn thu chuối bình thường, tiền chuối đã tăng lên 70-80 triệu.
Năm thứ ba bà con đôn tiêu cho bò lên trụ keo, và thu chuối thêm năm nay nữa.
Năm thứ tư bà con phá chuối, tiến hành xây dựng chuồng nuôi dê, với 4-5 con dê giống thôi vì lúc này keo còn nhỏ, từ từ nhân đàn lên sau.
Cây chuối ngoài lợi ích kinh tế còn có tác dụng cải tạo đất rất tốt. Đây là hướng tôi đang dự kiến thực hiện trong 1-2 năm tới.